Tín dụng tăng trưởng, ngân hàng bỏ túi ngàn tỉ lợi nhuận

Thanh Xuân
Thanh Xuân
29/04/2024 14:20 GMT+7

Tín dụng quý 1 tăng trưởng trở lại giúp các ngân hàng bỏ túi khoản lợi nhuận lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Ngày 29.4, VPBank công bố tăng trưởng tín dụng hợp nhất quý 1 ở mức 2,1% so với đầu năm, cao hơn mức trung bình ngành 1,3% và tăng gần 22% so với cùng kỳ, đạt gần 613.000 tỉ đồng. Trong đó, phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa ghi dấu ấn với mức tăng gần 14%, nhờ đẩy mạnh chiến lược thu hút khách hàng mới và số hóa quy trình cho vay nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Phân khúc khách hàng cá nhân, tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống với dư nợ cho vay đạt trên 240.000 tỉ đồng, với các sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng, tăng lần lượt 3,4% và 4% so với đầu năm. Đáng chú ý, phân khúc cho vay mua nhà phố ghi nhận tăng trưởng 5%, chiếm tỷ trọng 51% trên tổng quy mô cho vay mua nhà, phát đi tín hiệu ấm dần của thị trường bất động sản.

Huy động của nhà băng này tăng 2,4% so với cuối năm 2023 và tăng hơn 21% so với cùng kỳ, góp phần củng cố hiệu quả bảng cân đối. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 4.200 tỉ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế của quý 1 đạt hơn 4.900 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý 4/2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.

Tín dụng tăng trưởng, ngân hàng bỏ túi ngàn tỉ lợi nhuận- Ảnh 1.

Tín dụng tăng trưởng trở lại

NGỌC THẮNG

2 ngân hàng lớn cũng đã có mức tăng trưởng tín dụng trở lại là BIDV tăng 1%, dư nợ tín dụng đạt trên 1,76 triệu tỉ đồng; huy động vốn đạt trên 1,9 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 1%; tổng tài sản đạt trên 2,28 triệu tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 7.000 tỉ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Tương tự, cho vay khách hàng của Vietinbank tăng 3% lên hơn 1,51 triệu tỉ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 1% lên gần 1,43 triệu tỉ đồng, phát hành giấy tờ có giá giảm 12% về còn 101.544 tỉ đồng. Tổng tài sản của Vietinbank tăng nhẹ 2% so với đầu năm lên gần 2,08 triệu tỉ đồng.

Riêng ông lớn Vietcombank vẫn chưa thoát ra được mức tăng trưởng tín dụng âm. Tính đến cuối tháng 3, tín dụng Vietcombank khoảng 1,235 triệu tỉ đồng, giảm 0,42%, tương ứng khoảng 5.000 tỉ đồng, chủ yếu là tín dụng bán lẻ, trong khi bán buôn tăng trưởng. Huy động vốn đạt 1,335 triệu tỉ đồng, giảm 3,5%, tương ứng hơn 46.000 tỉ đồng. Tuy nhiên Vietcombank vẫn đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng về mức lợi nhuận trước thuế lên đến 10.718 tỉ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ

Tín dụng của một số ngân hàng cổ phần thương mại lớn cũng có có tốc độ tăng nhanh. Như ACB tăng trưởng 3,8% so với đầu năm và gấp ba lần mức trung bình ngành, đạt 506.000 tỉ đồng. Ngoài ra, huy động tăng 2,1%, ở mức 493.000 tỉ đồng, tổng thu nhập đạt gần 8.200 tỉ đồng, tăng trưởng 3,1%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 4.900 tỉ đồng, hoàn thành 22% kế hoạch năm.

Tương tự, Sacombank cho vay khách hàng tăng 4%, lên 500.408 tỉ đồng; tổng tài sản ngân hàng là 693.535 tỉ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng cũng tăng 4% so với đầu năm, lên mức 533,358 tỷ đồng. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng 7% lên 36.896 tỉ đồng, phát hành giấy tờ có giá tăng 10% lên 31.828 tỉ đồng… Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vẫn được duy trì ở mức đầu năm là 2,28%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.